Du học Đức » KHÁM PHÁ ĐỨC » ĐẤT NƯỚC - CON NGƯỜI » Những điều có thể bạn chưa biết về nước Đức (Phần 1)

Những điều có thể bạn chưa biết về nước Đức (Phần 1)

by HALO

Những điều có thể bạn chưa biết về nước Đức (Phần 1)

Du học nghề ở Đức

Điều kiện du học Đức

Chi phí du học Đức

Tôi viết những dòng chữ này trong một chiều tháng 6 từ một nơi rất xa mà không phải trên bầu trời nước Đức. Ngoài kia, nắng cưỡi mình trên những khóm hoa xinh và vươn vai đón chào ngày mới. Tôi cầm tách trà trên tay và bước ra ngoài balcon. Hai ông hàng xóm bên cạnh cũng đang loay hoay trong khu vườn của mình. Chúng tôi nhìn nhau, hỏi How are you rồi mỗi người lại tiếp tục công việc của mình. Tôi đứng nhìn rừng cây phía sau ngôi nhà mình và chợt nghĩ về nước Đức – nơi mà tôi vẫn luôn trìu mến gọi là quê hương thứ hai của mình. Dù theo lời bài hát của Đỗ Trung Quân thì „quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi….“, nhưng trong sâu thẳm trái tim mình, tôi biết, mình có nhiều hơn một quê hương và một người mẹ.

Những ngày ở Mỹ, tôi hay được hỏi về cuộc sống ở Đức như thế nào. Ngỡ là với mười mấy năm „ngược xuôi“ ở Đức tôi có thể trả lời vanh vách, ấy thế mà có những câu hỏi của bạn bè khiến tôi chững lại đôi ba phút. Một vài lần như thế khiến tôi chợt nhận ra: Hóa ra những hiểu biết về nước Đức của tôi vẫn còn quá ít ỏi so với ngần ấy năm sống và học tập ở nơi này. Nhưng nhờ những câu hỏi đôi khi chỉ là vu vơ đó của mọi người mà tôi mới có dịp tìm hiểu thêm để biết nhiều hơn về nơi chốn này và tự nhiên thấy vui vui. Bài viết này được tôi viết giữa balcon trong một ngày tháng 6 đầy nắng, cho những ai muốn biết những điều „lặt vặt“ về nước Đức. Dĩ nhiên, đây chỉ là một bài chia sẻ nhỏ về một số vấn đề ở Đức mà các bạn ở Mỹ quan tâm, nếu các bạn muốn biết nhiều hơn thì chịu khó hỏi thêm google hoặc những bạn đang sống ở Đức nữa nhé  :-)

1. Tốc độ khuyến cáo chạy trên đường cao tốc là 130 km/h

Ở Đức tốc độ chạy ở đường cao tốc mà sở giao thông khuyên mọi người đi là 130 km/h (câu hỏi này tôi hay được hỏi nhiều nhất ở Mỹ) và mọi người khá ngạc nhiên vì hình như ở Mỹ không được chạy với tốc độ như thế. Ở Đức không có giới hạn tốc độ (ngoại trừ bang Bremen có giới hạn tốc độ chạy là 120 km/h từ năm 2008 và những đoạn có đề biển báo) thì bạn có thể tự điều chỉnh tốc độ của mình. Tốc độ cao nhất cho xe tải và bus chỉ là 80km/h và xe tải cũng không được sử dụng đường cao tốc vào cuối tuần và những ngày lễ. Trừ khi được cấp phép đặc biệt. Trên đường cao tốc với 3 phân giải, khi đi ở giữa bạn phải đi với tốc độ chậm nhất là 60km/h, bên trái thì chậm nhất là 100km/h để tránh tai nạn xảy ra. Vì đó là phân giải dành để vượt.

nhung-dieu-co-the-ban-chua-biet-ve-nuoc-duc-phan-1-duhocduchalo-1

2. Có bao nhiêu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Đức?

Nhiều người Việt Nam ở các nước khác hay hỏi về số lượng người Việt sống ở Đức là bao nhiêu và thành phố nào đông người Việt nhất, tôi xin trả lời như sau: Có khoảng hơn 100.000 người Việt sống ở Đức và Berlin là thành phố đông người Việt nhất với khoảng chừng 20.000 người. Người Đức hay ví Berlin như một “Mini HàNội” với một khu chợ nổi tiếng rất đáng để đi: Đồng Xuân (thông tin này là theo thống kê năm 2011 mà tôi tham khảo trên tờ Die Welt, tôi hiện không tìm ra con số chính xác ở năm 2014)

3. Ở Đức phải bắt buộc đóng bảo hiểm y tế

Sinh viên thì đóng chừng 77 Euro/tháng. Khi bạn học đến kì thứ 14 hoặc quá ba mươi tuổi, bạn không còn được hưởng chế độ bảo hiểm sinh viên nữa mà phải đóng bảo hiểm thường. Bạn nào lập gia đình có thể theo dạng bảo hiểm gia đình, tức là ăn theo chồng con và không phải đóng bảo hiểm, nhưng chỉ được phép đi làm theo kiểu Minijob, tức là dưới 400 Euro/tháng, vượt qua con số này thì bạn phải đóng bảo hiểm. Khi đi khám bệnh, nếu bác sỹ kê đơn thuốc thì bạn có thể ra nhà thuốc để lấy, có một số thuốc được miễn phí, những loại còn lại bạn phải trả 10% tiền thuốc, nhưng cao nhất là 10 Euro và thấp nhất là 5 Euro cho mỗi loại thuốc. Tiện thể nói luôn việc mua bảo hiểm du lịch đối với những nước không nằm trong khối EU, tôi hay mua gói bảo hiểm một năm của Hanse Merkur, trả 9.99 Euro/ năm và số ngày đi không quá 8 tuần. Lần này tôi đi Mỹ gần 3 tháng nên phải mua gói khác, trả hơn 150 Euro. Thực ra thì vẫn rẻ nhưng lúc mua có phần hơi ấm ức vì nếu đi 2 tháng thì chỉ phải trả 9.99 Euro, trong khi đi ba tháng thì lại đắt hơn gấp mười lăm lần. Đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân tôi, không biết có bạn nào có biết loại bảo hiểm nào khác rẻ hơn không?

4. Miễn học phí cho sinh viên

Khi tôi kể là học Đại học ở Đức không phải đóng tiền học phí, mọi người ở Mỹ ồ lên ngạc nhiên và bảo sướng. Đúng là ở Đức, phần lớn các bang đều đã miễn học phí, kể cả sinh viên nước ngoài đang du học ở Đức. Họ chỉ phải đóng một số tiền nhỏ dành cho việc đi lại, tiền quản lý hành chính, tùy theo mỗi trường mà giá đóng cũng khác nhau, nhưng nói chung là không nhiều. Theo tờ Studis Online thì chi phí ăn ở theo tiêu chuẩn một sinh viên ở Đức dao động khoảng 570 – 1100 Euro/ tháng. Dĩ nhiên các bạn Châu Á nếu sống tiết kiệm thì có khi còn nằm ở dưới con số đó.

5. Người Đức không lạnh lùng như vẻ bề ngoài

Ở Mỹ mọi người hay hỏi tôi về tính cách người Đức. Họ bảo nghe nói là người Đức lạnh lùng lắm. Thực ra thì ở đâu cũng có người này người kia, khó có một kết luận chung về tính cách người Đức được. Nhưng sống trong gia đình người Đức hơn mười năm và đi học, đi làm với bạn bè Đức thì mình thấy người Đức chỉ lạnh lùng ở cái vẻ bề ngoài khi họ chưa quen bạn thôi, nhưng khi tiếp xúc nhiều thì mình thấy họ cũng dễ gần, thân thiện, tốt bụng, sống có kỉ luật. Họ mà đã quý ai thì quý rất thật lòng. Bạn có thể đọc qua bài viết về thầy chủ nhiệm và bà chủ nhà của mình để hiểu thêm nhé.

nhung-dieu-co-the-ban-chua-biet-ve-nuoc-duc-phan-1-duhocduchalo-2

6. Tiếng Đức được rất nhiều quốc gia sử dụng

Tiếng Đức không dễ học nhưng nếu kiên trì thì vẫn theo được. Những ngày đầu học tiếng Đức tôi cũng thấy vô cùng vất vả nên toàn học tiếng Đức online trên internet, hay học từ  vựng qua tranh ảnh để nhớ từ cho dễ. Tôi không được tham gia các khóa học tiếng Đức và đào tạo bài bản như các bạn ở Việt Nam nên khi sang bên này tự nhiên phải đi học, tôi như “con nai vàng ngơ ngác” và dần dần học theo các bạn ấy. Đến bây giờ tiếng Đức của tôi vẫn chưa hoàn hảo đâu, chỉ đủ để… cãi cùn thôi nhưng tôi tạm hài lòng với nó.Sống ở Đức thì nên biết tiếng Đức, sẽ có lợi rất nhiều thứ. Cho dù người Đức chịu khó nói tiếng Anh hơn người Pháp, người Ý và nếu chỉ biết tiếng Anh không, bạn vẫn có thể sống tốt ở Đức, nhưng đôi lúc bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu vì lạc lõng (đây là lời kể của những người bạn mình đã hoặc đang theo học chương trình bằng tiếng Anh ở Đức). Tiếng Đức không phải là thứ ngôn ngữ được ưa chuộng, nhưng bạn có biết, ngoài Đức ra thì Áo, Thụy Sỹ và Lichtenstein cũng là những quốc gia nói tiếng Đức?

7. Coi trọng văn hóa Đọc

Văn hóa Đọc ở Đức rất được coi trọng, ở các thành phố lớn đều có các tủ sách đặt ở trung tâm cho mọi người tới lấy đọc, thậm chí trên xe buýt cũng có một kệ đựng sách. Hàng năm vào tháng 10 ở Đức có tổ chức hội chợ sách lớn nhất thế giới và nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy ở các nhà ga, phi trường hay trên tàu, hầu hết mọi người đều giết thời gian bằng việc đọc sách.

Nguồn: Hoàng Yến Anh

Đọc  tiếp: Những điều có thể bạn chưa biết về nước Đức (Phần 2)

Bạn đang theo dõi bài viết: 

Các bài viết liên quan

Leave a Comment

Giới Thiệu

HALO hoạt động chính trong các lĩnh vực như tư vấn du học, đào tạo ngoại ngữ, xin Visa, cung cấp nhân sự chất lượng cho các tổ chức essay writing trong nước và quốc tế. Đội ngũ nhân viên trẻ trung, năng động có nhiều năm kinh nghiệm, nhiệt huyết và kiến thức chuyên sâu.

Du học sinh quan tâm

Công ty Tư vấn Du học Đức uy tín Halo